Thứ Ba, 26 tháng 12, 2017

Viêm mũi dị ứng là một trong những bệnh phổ biến nhất trong các bệnh về mũi. Do cơ chế bệnh mẫn cảm đặc biệt của cơ thể, gây ra những phản ứng bất thường và quá mức. 

⧪ Hướng dẫn cách điều trị hiệu quả khi bị chảy nước mũi
⧪ Máy xông mũi xoang giá rẻ
⧪ Bệnh viêm mũi vận mạch là gì?

Bệnh viêm mũi dị ứng là gì?


Bệnh viêm mũi dị ứng xảy ra do những phản ứng quá mức của cơ thể khi có kháng nguyên trong không khí xâm nhập vào bên trong. Những phản ứng xảy ra quá mức, gây ra tổn hại cho cơ thể gọi là phản ứng dị ứng ở lớp niêm mạc phủ của bề mặt mũi, các xoang và mắt, nếu trầm trọng hơn có thể dẫn đến tử vong thì gọi là phản ứng phản vệ.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm mũi dị ứng

Các loại dị nguyên gây viêm mũi dị ứng: Các dị nguyên này thường lẫn trong không khí như phấn hoa, bụi nhà, con mạt, nấm mốc, khói, bụi, lông thú…
Những chất lạ trong thức ăn như sữa, trứng, đậu, hải sản, thuốc kháng sinh, phấn thoa, chất bôi trơn ở bao cao su, xà phòng… đều có thể gây dị ứng. Các chất này thường gây triệu chứng toàn thân hoặc ở bộ máy tiêu hóa, nhưng biểu hiện vẫn là ở đường thở trên.
Yếu tố cơ địa và di truyền: cha mẹ đều bị dị ứng cho tỷ lệ con bị dị ứng cao (50%), nếu chỉ cha hoặc mẹ bị dị ứng thì tỷ lệ này là 30%.

Biểu hiện của bệnh viêm mũi dị ứng


- Nhảy mũi từng cơn, nhất là khi tiếp xúc với dị nguyên.

- Chảy nước mắt

- Ngứa mũi, cổ họng, mắt hoặc tai.

- Nghẹt mũi hai bên hoặc 1 bên (nếu phải thở bằng miệng quá lâu sẽ gây khô họng, viêm họng và thanh quản).

- Chảy nước mũi trong (vàng đục nếu bội nhiễm).

- Bệnh nhân có thể bị chảy mũi sau họng, gây khịt mũi, hắn giọng và ho.

- Chóp mũi viêm đỏ

- Mí mắt sưng nề, xuất hiện quầng thâm.

- Niêm mạc mũi phù nề, mọng, có màu tái nhợt. Trong hốc mũi đầy chất tiết trong, loãng.

- Đau đầu thường xuyên

- Xuất hiện vùng da bị khô, ngứa và thường có mụn nước

- Phát ban

- Mệt mỏi

Các phương pháp điều trị bệnh viêm mũi dị ứng

Lời khuyên để chữa bệnh viêm mũi dị ứng hiệu quả là nên chữa khỏi dị ứng ngay khi vừa phát hiện.

1/ Tránh tiếp xúc với dị nguyên

Cách phòng bệnh tốt nhất là tránh tiếp xúc với các dị nguyên: Giữ nhà khô thoáng, hút bụi thường xuyên, tách biệt chó mèo với phòng ngủ, diệt chuột, gián. Quét dọn thường xuyên để loại bỏ nấm mốc, những con mạt nhất là những nơi thiếu ánh sáng, tránh tiếp xúc các loại hoa khô, giày cũ, sách báo cũ, chiếu, mền, thảm trải nền nhà…

2/ Tăng cường sức đề kháng

- Giữ ấm: Đặc biệt vùng cổ, ngực và mũi, không nên tắm nước lạnh. Không nên thức khuya hoặc dậy quá sớm, vì thời điểm này rất dễ bị cảm và chuyển thành viêm mũi xoang.

- Tránh tiếp xúc với luồng gió máy lạnh, điều hòa hoặc gió hanh khô đột ngột vì sẽ làm khô niêm mạc mũi xoang. Làm ấm mũi vào buổi sáng bằng cách dùng hai bàn tay chụp lại hai bên vùng cánh mũi và miệng, tay xoa xoa tập thở ra hít vào, thực hiện như vậy khoảng vài phút.

- Bảo vệ mũi khỏi các tác nhân gây dị ứng bằng cách sử dụng khẩu trang hoạt tính khi làm việc trong môi trường độc hại, ô nhiễm hoặc khi đi ra ngoài đường.

- Vệ sinh vùng tai, mũi, họng: hằng ngày đánh răng trước và sau khi ngủ dậy, sau mỗi bữa ăn nên súc họng bằng nước muối sinh lý. Khi bị viêm họng, viêm amidan, sâu răng, viêm chân răng, viêm lợi… cần phải khám và điều trị dứt điểm để tránh bệnh trở thành mãn tính dễ gây viêm xoang về sau.

- Uống nhiều nước: Nước giúp làm loãng chất nhày, giúp dịch tiết mũi lỏng hơn, chất nhày thoát ra ngoài một cách dễ dàng hơn, tránh ứ đọng, gây viêm nhiễm.

- Sử dụng thuốc hợp lý: Không nên lạm dụng một số thuốc nhỏ mũi, xịt mũi vì có thể bị lệ thuộc thuốc, gây lờn thuốc.

- Dùng nước muối sinh lý thường xuyên để rửa mũi, làm sạch niêm mạc mũi, giúp thông thoáng mũi.

3/ Sử dụng thuốc


Đây có lẽ là phương pháp điều trị chính, bởi đa số bệnh nhân không thể kiểm soát được các tác nhân gây dị ứng.
Các loại thuốc thường được chỉ định:
- Thuốc kháng histamine: Nhóm thuốc này sẽ ức chế việc giải phóng hoặc tổng hợp các chất hóa học trung gian gây phản ứng dị ứng.

- Thuốc thông mũi: dạng nhỏ, xịt.

- Thuốc corticoid: dùng khi tình trạng nghiêm trọng

- Sử dụng các bài thuốc Đông y

4/ Thay đổi miễn dịch

- Nếu không thể kiểm soát bệnh bằng thuốc hoặc nhiều cơ quan cùng bị tác động của phản ứng dị ứng, bác sĩ sẽ điều trị bằng giải mẫn cảm đặc hiệu cho bệnh nhân.
- Sau khi kiểm tra được loại kháng nguyên, bệnh nhân sẽ được tiêm dưới da hoặc nhỏ dưới lưỡi chất kháng nguyên gây bệnh với nồng độ tăng dần, làm cho cơ thể thích ứng dần với chất đó và không dị ứng nữa.
- Tỷ lệ thành công của phương pháp này là 80-90%, có hiệu quả cao nhất với các trường hợp dị ứng do phấn hoa, bụi nhà và lông chó mèo. Liệu pháp miễn dịch này là phương pháp duy nhất điều trị tận gốc căn nguyên gây dị ứng. Tuy nhiên thời gian điều trị kéo dài đến 4-5 năm mới đạt được hiệu quả mong muốn, các triệu chứng chỉ bắt đầu cải thiện rõ sau 6-12 tháng.

5/ Phẫu thuật


Chỉ áp dụng khi cần giải quyết bệnh xuất hiện nhiều polyp (thường gọi là thịt dư), hoặc niêm mạc cuốn mũi thoái hóa quá mức gây nghẹt mũi nhiều không thể phục hồi dù đã uống thuốc tích cực.

Bạn cần biết?

- Nên dùng thuốc để phòng ngừa các cơn dị ứng hơn là chữa các hậu quả của phản ứng.

- Nếu dùng corticoid dạng thuốc phun tại chỗ để đảm bảo an toàn.

- Đối với những bệnh nhân bị dị ứng cần phẫu thuật, nên chữa dị ứng trước khi mổ.

- Phẫu thuật không chữa được viêm mũi dị ứng, nhưng nếu giải quyết được những lệch lạc về cấu trúc trong mũi thì rất có lợi. Có thể làm giảm 30-60% những triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng do làm giảm các tác nhân gây kích ứng.

- Không phải bị nhảy mũi là bị dị ứng.

- Chỉ dùng kháng sinh trong các trường hợp bội nhiễm.

- Nếu việc chữa trị một bệnh nhân dị ứng đang tốt bỗng trở nên không hiệu quả, cần xem lại dị nguyên có bị thay đổi không, bị viêm mũi do thuốc hay bị bội nhiễm.

0 nhận xét :

Đăng nhận xét

Xem nhiều

Điều trị

Phòng ngừa